Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023_Gặp mặt các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên qua các thời kì và tọa đàm kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam trường TH Nghĩa Châu
Lượt xem: 109

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo!

Lời đầu tiên, em xin gửi tới các vị đại biểu khách quý, các thầy giáo cô giáo lời kính chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất!

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo!

Dân tộc ta có truyền thống Tôn sư trọng đạo” truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa cao quý bắt nguồn từ những giá trị văn hoá ngàn đời của dân tộc ta. Toàn xã hội hướng về và dành cho các thầy giáo, cô giáo những tình cảm trân trọng quý mến và biết ơn, đó chính là món quà tinh thần vô giá cho tất cả thầy giáo, cô giáo chúng ta.  

Trong xã hội xưa, vị trí người thầy đã được đặt rất cao, trong bậc thang giá trị xét theo cấu trúc “ Quân - Sư - Phụ” người thầy được xếp dưới vua nhưng xếp trên cha mẹ. Trong chế độ mới, người thầy được tôn vinh là “Kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học là “ Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, vì nó “sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Kính thưa quý thầy cô giáo!

Trong buổi gặp mặt, tọa đàm long trọng nhân dịp kỉ niệm 41 năm ngày nhà giáo Việt Nam, các thế hệ nhà giáo, các đ/c CB, NV của trường Tiểu học xã Nghĩa Châu tề tựu về đây để ôn lại những kỉ niệm khi đứng trên bục giảng, khi còn công tác trong ngành giáo dục và điểm lại những thành quả giáo dục của nhà trường trên con đường đã qua.

Kính thưa quý thầy cô giáo!

Trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ở thời kì nào cũng vậy các thế hệ nhà giáo Việt Nam luôn không ngừng phát huy vai trò, những truyền thống tốt đẹp của mình, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển của đất nước. Các thầy cô giáo quê hương xã Nghĩa Châu cũng thế. Trong thời kì kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cùng với giáo giới cả nước, rất nhiều thầy giáo, cô giáo quê hương Nghĩa Châu đã “xếp bút nghiên” hăng hái lên đường chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, như thầy giáo Vũ Đăng Khoa đi chiến trường B, thầy giáo Phạm Thế Huân, cô giáo Khương Thị Nhuận đi bộ đội và nhiều thầy cô giáo khác nữa. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng, có những nhà giáo khi rời chiến trường trở về với tấm thân không lành lặn vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp trồng người. Những thầy cô ở lại là hậu phương vừa hăng say dạy học vừa tích cực tăng gia  sản xuất để chi viện và là chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến.

Khi hòa bình lập lại, đất nước còn non trẻ vừa trải qua thời kì dài chiến tranh, nền kinh tế của đất nước gặp muôn vàn khó khăn phải đối mặt với “giặc đói”, “giặc dốt”, … Các thầy cô giáo của chúng ta lại chính là người đi đầu, tiên phong trong phong trào diệt giặc đói, giặc dốt. Các thầy cô luôn tự ý thức được trách nhiệm cao cả của mình, ai cũng sẵn lòng cống hiến hết khả năng trí tuệ, sức lực của mình, ngày đêm vừa dạy học vừa tăng gia sản xuất. Hơn ai hết trong các thầy cô ngồi đây hệ 4X, 5X là người thấm thía, cảm nhận rõ nhất thời kì gian khổ ấy. Các thầy cô sống trong thời kì bao cấp, với đồng lương ít ỏi, mua gạo, thịt, dầu, mắm muối,… đều phải theo tem phiếu, gạo không đủ ăn, phải ăn độn khoai, sắn, quần áo không đủ ấm. Nhưng hằng đêm vẫn bên ánh đèn dầu miệt mài với trang giáo án để ngày ngày có những bài giảng hay cho các em học sinh thân yêu. Thật đáng trân trọng! Chính vì vậy mà cả xã hội luôn tôn vinh nhà giáo.      

Kính thưa quý thầy cô!

Hiện nay, khi đất nước đang phát triển trong thời kì đổi mới hội nhập, thực hiện đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đòi hỏi người thầy phải đổi mới mình hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Người thầy không những giỏi về kiến thức mà còn giỏi ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng mềm và nhiều kĩ năng khác nữa, đồng lương cũng chưa đủ để giáo viên có cuộc sống ở mức trung bình khá so với xã hội. Trước những áp lực đòi hỏi cao, khắt khe về người thầy, cả nước có gần 20.000 nhà giáo rời bục giảng với nước mắt lã chã rơi. Họ yêu nghề lắm nhưng vì áp lực, vì cuộc sống mưu sinh họ phải chia tay với nghề. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều thầy cô dù khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng tinh thần không hề dao động, vẫn gắn bó tâm huyết với nghề dạy học, với phấn trắng, bảng xanh, với bục giảng hết lòng vì HS thân yêu. Trong đó có chúng em - các thầy cô giáo đương nhiệm ngồi đây.

Với điều kiện của nhà trường hiện nay, so với thời kì trước thì cơ sở vật chất đã được nâng lên rõ rệt, lớp học được trang bị ti vi kết nối internet, báo cáo sĩ số trên google forms, có trang thiết bị dạy học kết nối với các trường bạn,... nhưng so với yêu cầu của thời cuộc, yêu cầu của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì còn thiếu thốn nhiều: thiếu phòng học, phòng chức năng, thiếu sân chơi bãi tập, thiếu trang thiết bị, đồ dùng dạy học….. Với tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo, Ban giám hiệu, các thầy cô giáo trường Tiểu học xã Nghĩa Châu đã tìm ra các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, nhất là khó khăn về đồ dùng dạy học. Vào đầu tháng Tám, các thầy cô nghiên cứu nội dung chương trình các môn học, sưu tầm các nguyên liệu phế thải, rẻ tiền, dễ kiếm, tuyên truyền tới cha mẹ học sinh và các em cùng các thầy cô tự làm đồ dùng dạy học. Phong trào tự làm đồ dùng dạy học của các thầy cô trong nhà trường đã lan tỏa rộng khắp tới các trường bạn trong toàn huyện Nghĩa Hưng.

anh tin bai

Gặp mặt và tọa đàm ngày nhà giáo Việt Nam

Kính thưa các thầy cô giáo!

Đáp ứng với yêu cầu của ngành, đòi hỏi nhà giáo vận dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy, các thầy cô giáo tích cực tham gia Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số. Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập Hội đồng khoa học cùng với 11 thầy cô giáo xây dựng được 3 thiết bị dự thi cấp tỉnh. Các thiết bị dự thi đều được đánh giá cao về khả năng ứng dụng, khoa học, dễ sử dụng, hiệu quả cao và được các nhà giáo trong toàn tỉnh lựa chọn sử dụng trong giảng dạy. Đặc biệt thiết bị dạy học số của nhóm nhà giáo Dương Thị Huyền, Đàm Thị Huyền, Cồ Thị Thu Thảo là một trong năm thiết bị được giải Nhất cấp tỉnh và được tham gia dự thi cấp Quốc gia. Thiết bị được mang tên An bum Ảnh về nghề nghiệp dạy Liên môn Tiếng Việt – Đạo đức – Hoạt động trải nghiệm áp dụng tất cả các khối lớp trong trường Tiểu học.

Hưởng ứng các phong trào thi đua của ngành như “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với các hoạt động đổi mới giáo dục. Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Đó là các tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Hai tốt”, trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự học, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm mà mình đã áp dụng đạt hiệu quả cao. Toàn trường có 7 sáng kiến kinh nghiệm dự thi cấp huyện, và 2 sáng kiến kinh nghiệm đã được áp dụng rộng rãi trong các trường Tiểu học đạt hiệu quả cao và được chọn dự thi cấp tỉnh đó là Báo cáo sáng kiến: Một số giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường của nhà giáo Khương Thị Nhường đồng tác giả nhà giáo Vũ Thị Phương, Hoàng Thị Thu Hương. Báo cáo sáng kiến: Một số biện pháp rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 3 của nhà giáo Trần Thị Hương, đồng tác giả nhà giáo Khương Thị Nhường, nhà giáo Vũ Thị Phương (Hiện nay tỉnh chưa công bố kết quả)

Dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành, các thầy cô giáo tích cực tích hợp giáo dục STEM vào giảng dạy nhằm tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập giúp HS khám phá kiến thức khoa học, khám phá tiềm năng của bản thân phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát triển năng lực, phẩm chất, biết cách vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình GDPT 2018.

Phong trào hùng biện Tiếng Anh trong nhà trường cũng có nhiều khởi sắc, thầy trò không quản khó khăn, luyện tập ngày đêm và kết quả không phụ lòng mong mỏi của thầy cô và cha mẹ các em, có 2 học sinh đạt giải Ba cấp huyện. Đó là em Trịnh Việt Hưng lớp 5C và em Nguyễn Kim Chi lớp 5A. Đặc biệt trong kì thi vào trường THCS Nghĩa Hưng, khối Năm có 8 em đỗ vào trường, em Trịnh Việt Hưng đỗ thủ khoa toàn huyện.

Phong trào “ Luyện nét chữ, rèn nết người cũng được lan tỏa mạnh mẽ vì chữ viết có thể phản ánh nội tâm, góp phần rèn tính cách con người, rèn chữ là một nét đẹp truyền thống cần được duy trì và phát huy. Năm học vừa qua toàn trường có 30/30 HS dự thi chữ viết đúng và đẹp cấp huyện đều được giải (17 giải A; 10 giải B và 3 giải C).

Với công sức mà các thầy cô nhà trường cống hiến, năm học 2022-2023 vừa qua toàn trường được cấp trên xét khen thưởng cho 26/30 nhà giáo CB, GV, NV đạt danh hiệu Lao động tiên tiếnTrong đó có 10 nhà giáo được khen cao (03 nhà giáo đạt danh hiệu CSTĐ CS, 0nhà giáo  được UBND huyện tặng giấy khen, 03 nhà giáo được giấy khen của SGD và đặc biệt nhà giáo Vũ Thị Phương đạt thành tích xuất sắc trong quản lí và giảng dạy được quỹ khuyến học Phạm Văn Nghị huyện Nghĩa Hưng vinh danh.)

Chất lượng giáo dục toàn diện của trường xếp thứ 10/24 trường Tiểu học trong huyện; Đạt danh hiệu Tập thể lao động Tiên tiến, được UBND huyện đánh giá, xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Kính thưa quý thầy cô giáo!

Trong giảng dạy, người thầy giỏi chuyên môn chưa đủ mà còn phải trau dồi các kĩ năng mềm lôi cuốn cha mẹ học sinh cùng con tham gia các hoạt động trải nghiệm, nổi bật là nội dung Tìm kiếm tài năng - một trong ba nội dung của Hội thi phát triển năng lực học sinh Tiểu học - nhằm tạo cơ hội để học sinh thể hiện năng lực đặc biệt trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao khả năng giao tiếp, hợp tác, chia sẻ, bày tỏ quan điểm, vận dụng kiến thức các môn học và hoạt động giáo dục vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tăng cường mối liên kết giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng, lôi cuốn cha mẹ học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường; nâng cao nhận thức của CBQL, giáo viên về định hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; phát hiện học sinh có tài năng để tiếp tục bồi dưỡng và phát triển. Các tiết mục tài năng được phát trực tiếp trên trang Fage của nhà trường, được cha mẹ các em quay video chia sẻ rộng rãi trên facebook, có những tiết mục đạt 5000 lượt like, hàng trăm lượt share chỉ trong 3 ngày.

Thành tựu đạt được của những năm qua đã và đang tạo đà thuận lợi, khí thế, niềm tin cho nhà trường tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới. Các nhà giáo đang thực hiện sứ mệnh rất vẻ vang và đáng tự hào: đào tạo con người cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, chúng em - những thế hệ sau tiếp tục thi đua đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thích ứng an toàn, linh hoạt; nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ năm học, với phương châm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, để mỗi nhà giáo thực sự xứng đáng với danh hiệu: những “chiến sĩ” trên “mặt trận văn hóa”, làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, cao quý, trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó: Hành trình gieo chữ và sự nghiệp “trồng người” vì lợi ích trăm năm.

Nhân dịp kỷ niệm 41 ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2023, xin chúc các thầy cô giáo lão thành, các thầy giáo, cô giáo, các đồng chí CB, NV đã và đang đang công tác luôn có sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc và thành công trên mọi lĩnh vực.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguồn: Trường Tiểu học xã Nghĩa Châu 

 

Tin mới





 image advertisement

image advertisement

image advertisement


image advertisement

anh tin bai

image advertisement

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Châu - Nghĩa Hưng - Nam Định
              Địa chỉ:  Xóm 04 - xã Nghĩa Châu- huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định
              Email: xanghiachau.nhg@namdinh.gov.vn
                       SĐT: 0228.3871282
Chung nhan Tin Nhiem Mang