Nghề truyền thống khâu nón lá xã Nghĩa Châu
Lượt xem: 631

Nghề khâu nón lá ở xã Nghĩa Châu huyện Nghĩa Hưng

Cập nhật lúc 16:13, ngày 18/07/2016 (GMT+7)

 Xã Nghĩa Châu là xã miền thượng của huyện Nghĩa Hưng, nằm trên trục lộ 37 đường 55 cũ). Toàn xã có 755 ha đất tự nhiên với hơn 9.250 nhân khẩu. Nông dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và nghề khâu nón lá truyền thống. Xã có chợ Đào Khê rất sầm uất là trung tâm giao thương buôn bán hàng hoá, nông sản, cung cấp, thu mua nguyên liệu, nón lá thành phẩm của nông dân các xã miền thượng huyện Nghĩa Hưng và các xã lân cận của huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh và huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình...

Nghề khâu nón lá ở xã xuất hiện từ những năm 1940, trải qua 76 năm thăng trầm lịch sử, nghề khâu nón vẫn được duy trì và phát triển. Khởi đầu trong xã chỉ có một vài gia đình làm nón nhưng đến nay đã phát triển khắp toàn xã và một số xã lân cận.

Ban đầu nón lá làm ra chỉ để thực hiện chức năng đơn thuần che mưa, che nắng phục vụ các bà, các chị nhưng giờ đây nón lá Nghĩa Châu còn là quà lưu niệm xinh xắn đầy ý nghĩa, được chuyển đi khắp mọi miền của tổ quốc. Ở Nghĩa Châu đi đến đâu cũng gặp cảnh nhà nhà, người người làm nón. Nhìn những đôi tay thoăn thoắt, miệt mài gắn kết những chiếc lá vào vành mới thấy để làm ra được một chiếc nón người thợ phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Điều đặc biệt ở Nghĩa Châu là từ già tới trẻ, đàn ông hay đàn bà đều thành thục các công đoạn làm nón lá, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước cùng giữ gìn nghề truyền thống.

Để tạo ra những chiếc nón thanh thoát, bền đẹp, ngoài sự khéo léo của đôi tay người làm nón phải thật sự tài hoa và có óc thẩm mỹ. Lá nón được mua về từ vùng rừng núi Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An sau đó được rải ra phơi nắng và hấp diêm sinh để lá có độ trắng ngà, không bị mốc khi gặp mưa. Xong công đoạn đó người thợ phải gỡ lá ra và đặt từng lá nón lên lưỡi cày nung nóng, dùng búi giẻ vuốt cho lá nón phẳng ra. Những lá nón làm xong được xếp trên khuôn, giữa hai lớp lá nón là một lượt mo nang lạng thật mỏng và được chằng buộc cho chắc chắn, sau đó là công đoạn khâu; khâu dày, khâu thưa, khâu đều, khâu thẳng là do trình độ, kỹ năng của từng thợ khâu nón.

Hiện nay toàn xã có 40 hộ chuyên thu mua và cung ứng nguyên liệu làm nón và có 1.962 hộ gia đình làm nghề nón chiếm 70% số hộ trong toàn xã, tập trung nhiều ở 2 thôn Đào Khê Thượng và Đào Khê Hạ - là 2 thôn được UBND tỉnh “Quyết định công nhận làng nghề truyền thống tỉnh Nam Định - Đợt I năm 2012” theo Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 01/10/2012 của UBND tỉnh Nam Định.    

Với 1.962 hộ dân tham gia làm nghề nón lá, bình quân mỗi hộ có 3 lao động (2 lao động chính và 1 lao động phụ) tham gia sản xuất, mỗi lao động một ngày có thể làm ra 2,5 chiếc nón. Giá bán trên thị trường hiện nay từ 40.000-60.000đ/chiếc. Chi phí vốn đầu tư một chiếc nón từ 6.000 – 12.000đ/chiếc, như vậy trừ chi phí một lao động có thu nhập từ 35.000 – 100.000đ/ngày. Mỗi năm toàn xã thu nhập từ nghề khâu nón lá từ 40-50 tỷ đồng.
Kết quả nghề làm nón đã tạo được việc làm thường xuyên, liên tục cho nhiều lứa tuổi nên đời sống của nhân dân trong xã được cải thiện, nhiều gia đình có thu nhập cao đã xây dựng nhà cao tầng, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, con em được ăn học thành đạt. An ninh chính trị của địa phương ổn định, nông dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tích cực tham gia với Đảng, chính quyền thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tự nguyện hiến đất, góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi. Đến nay toàn xã đã có 100% cụm dân cư hoàn thiện đường giao thông thôn xóm và xây dựng được nhà văn hoá xóm khang trang, sạch đẹp đúng quy hoạch, tiêu chuẩn nông thôn mới.

Để nghề làm nón được ổn định, phát triển bền vững, BCH Đảng uỷ xã tiếp tục chỉ đạo cho các cấp, các ngành của địa phương. Trong đó Hội Nông dân là nòng cốt tư vấn, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên môn hoá để tăng năng suất, giá trị ngày công lao động. Hiện nay Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đang tiến hành hướng dẫn cho các nhóm hộ thành lập Tổ hợp tác chuyên sản xuất lá nón, nhóm hộ chuyên sản xuất vành, nhóm hộ chuyên lên vành lợp lá khoán cho các hộ không có điều kiện chuyên khâu thuê và Tổ hợp tác thu mua bao tiêu sản phẩm./.

                   

 

 

Tin mới





 image advertisement

image advertisement

image advertisement


image advertisement

anh tin bai

image advertisement

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Châu - Nghĩa Hưng - Nam Định
              Địa chỉ:  Xóm 04 - xã Nghĩa Châu- huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định
              Email: xanghiachau.nhg@namdinh.gov.vn
                       SĐT: 0228.3871282
Chung nhan Tin Nhiem Mang